Nuôi cá cảnh là một thú giải trí lành mạnh và không hề tốn kém nếu chọn lựa thông minh. Hãy thử tìm hiểu từ những bể cá cảnh mini cùng những tiện lợi vô cùng to lớn sau đây.
1. Tại sao nên chọn bể cá cảnh mini
1.1. Mang lại niềm vui
Thú vui nuôi cá đem lại những cải thiện đáng kể cho cuộc sống tinh thần của bạn. Đây là lựa chọn tuyệt vời đối với những người trẻ bận rộn, không có nhiều thời gian để chăm sóc nhà cửa.
Bạn cảm thấy nhàm chán vì chẳng có mối bận tâm nào khác ngoài học tập và công việc, những chú cá cảnh mini sẽ là người bầu bạn vô cùng thân thiện. Một bể cá mini đặt ở bàn làm việc của bạn sẽ giúp thư giãn tầm mắt sau những giờ làm việc căng thẳng kéo dài.
Nhìn đàn cá rực rỡ màu sắc bơi lội tung tăng làm đầu óc của bạn cảm thấy phấn chấn hơn.
1.2. Dễ dàng bài trí, di chuyển
Một trong những ưu điểm lớn nhất khi lựa chọn bể cá cảnh mini là sự linh động. Bể cá nhỏ nên dễ dàng di chuyển, đặt để ở nhiều vị trí khác nhau, phù hợp cho những bạn muốn thường xuyên đổi gió.
Bạn có thể dễ dàng di chuyển bể cá cảnh mini một mình bằng tay không, không cần khiêng vác khệ nệ như những bể to cố định.
Với kích thước nhỏ gọn chỉ bằng một cái bát ăn cơm và to nhất thì cũng chỉ ngang ngửa một chiếc laptop, bạn có thể dễ dàng đặt bể cá mini ở bất kỳ đâu. Bể cá cảnh mini đặc biệt tối ưu đối với không gian văn phòng phải chia sẻ với nhiều người hay phòng trọ chỉ vừa đủ cho chỗ ăn, chỗ ngủ.
1.3. Tiết kiệm chi phí và thời gian
Bể cá cảnh mini phù hợp với những người mới bắt đầu nuôi cá cảnh vì nó khá đơn giản, không yêu cầu sự chăm chút quá nhiều. Giá thành bể rẻ nên các phụ kiện đi kèm theo cũng nằm trong tầm giá.
Kích thước bể nhỏ nên không quá cầu kỳ trong việc làm vệ sinh. Thời gian vệ sinh bể cá cảnh mini chỉ tương đương thời gian làm sạch đôi giày của bạn mà thôi.
2. Các loại bể cá cảnh mini
2.1. Bể cá cảnh mini từ bình thủy tinh
Ưu điểm số 1 của loại bể cá cảnh mini dạng tròn này là có kích thước vô cùng nhỏ gọn, tạo ra tính cơ động trong việc bày trí. Bạn có thể thoải mái bày biện ở nhiều vị trí như: trên bàn làm việc, bàn học, kệ sách, bệ cửa sổ,…
Một số mẫu bể cá cảnh mini dạng tròn được bày bán phổ biến hiện nay là: bể tròn truyền thống không cách điệu, bể cá tai bèo với miệng bình lượn sóng, bể cá ly chân thủy tinh.
Kích thước bể nhỏ gọn như vậy sẽ chỉ phù hợp với những loại cá nhỏ và với số lượng ít. Bởi vì, nếu mật độ cá dày, hoặc cá quá lớn sẽ không cung cấp đủ oxy trong không gian bể nhỏ.
Đồng thời sẽ làm cho nước trong bể nhanh bẩn đục và phải thay nước mới liên tục. Những loại cá kích cỡ nhỏ như: cá vàng, cá ngựa vằn, cá bảy màu,… sẽ phù hợp với loại bể cá cảnh mini này.
2.2. Bể cá cảnh mini hình trụ
Lấy cảm hứng từ những chiếc bình cắm hoa, bể cá cảnh mini hình trụ thích hợp để nuôi những loài cá nhỏ, sống khỏe và không cần quá nhiều oxy.
Với thiết kế hình trụ làm nổi bật chiều cao, bạn có thể đặt chúng ở bất kỳ đâu trong ngôi nhà mà vẫn tạo nên được điểm nhấn tại khu vực ấy.
Bạn có thể thử đặt nhiều bể cá cảnh mini hình trụ gần nhau tạo thành một cụm bể đẹp mắt, sang trọng.
Nhược điểm duy nhất của loại bể này là khó phối phụ kiện ở cả bên trong do độ sâu và bên ngoài do chiều cao.
2.3. Bể cá cảnh mini dạng hình chữ nhật
Đáp ứng nhu cầu về tính nhỏ gọn, các dạng bể cá cảnh hình chữ nhật nay đã có nhiều kích cỡ mini hơn để phục vụ khách hàng.
Thiết kế hình chữ nhật đơn giản cùng những đường nét dứt khoác, khỏe khoắn, mang lại cảm giác tinh tế và hiện đại nơi góc bàn.
Bể cá cảnh mini hình chữ nhật mang lại cho bạn nhiều không gian hơn hai mẫu nói trên nhưng vẫn đảm bảo sự gọn nhẹ.
Đây cũng là mẫu bình phù hợp nếu bạn yêu thích nuôi bể cá thủy sinh vì nó cần nhiều tiết diện phẳng, dàn trải.
2.4. Bể cá cảnh thủy sinh
Nếu bạn là người yêu thích thiên thiên và sự tươi mát thì hãy thử trải nghiệm bể cá cảnh mini thủy sinh nhé. Ở bể cá cảnh thông thường thì cá là chính, cây cối chỉ là phụ, mang tính chất bổ sung màu xanh và sự tăng cường sự sống động cho hồ.
Trong khi đó, bể thủy sinh là một hệ môi trường sống toàn diện cho các loại thủy sinh vật dưới nước bao gồm: cá, tôm, cua rong, rêu, đất cát,…
Cá cảnh chỉ là phụ, bổ sung cho yếu tố ‘‘động’’ của bể. Bể cá thủy sinh đòi hỏi rất nhiều công sức bỏ ra từ khâu chuẩn bị cho đến chăm sóc.
Để tiết kiệm thời gian và tiền của cũng như nhập môn dễ dàng trong lĩnh vực này thì bạn nên bắt đầu thử ‘‘setup’’ với các mẫu bể cá cảnh mini thủy sinh kích thước nhỏ.
3. Chọn bể cá cảnh mini hợp phong thủy
Bài trí bể cá đúng cách không những giúp cho không gian trở nên hài hòa mà còn hứa hẹn mang lại nhiều tài lộc cho người nuôi. Bên cạnh đó, chọn đúng kiểu dáng bể, loại cá và màu sắc cũng có thể đem lại hạnh phúc, sức khỏe và may mắn cho người trong nhà.
3.1. Vị trí đặt bể
Nếu đặt bể cá trong nhà, nên đặt ở các hướng thuộc cung Quan Lộc, Phú quý như hướng Bắc, hướng Đông, hướng Nam, Đông Nam. Vị trí đặt bể cá đắc địa và hợp phong thủy nhất chính là đặt ở phòng khách, nó tạo nên cảnh quan dễ nhìn, làm phòng khách sang trọng. Đặt bể cá cảnh mini trên bàn phòng khách, trên kệ cạnh ghế sofa hay bên cạnh tivi sẽ tạo nên một điểm nhấn ‘‘tưởng tĩnh mà động’’ rất độc đáo.
3.2. Kích thước bể cá
Bể cá cảnh nên lựa chọn kích thước vừa phải, phù hợp với kích thước phòng khách của gia đình. Bể cá quá to, sẽ dễ bị hút “nhân khí”, độ ẩm không khí trong phòng cao, dễ gây ra các bệnh về đường hô hấp, hay các bệnh về da cho các thành viên trong gia đình. Đó là lý do tại sao bể cá cảnh mini lại được ưa chuộng đến như thế.
3.3. Màu sắc của cá nuôi
Cá nuôi trong bể cá có ảnh hưởng ít nhiều tới phong thủy của bể cá cũng như của ngôi nhà. Màu sắc của những loại cá nuôi cũng có nhiều ý nghĩa với phong thủy. Cá màu xám, đen hay xanh lam là những màu thuộc mệnh thủy, có khả năng thúc đẩy tài vận khá mạnh. Cá có màu vàng kim hay trắng thuộc hành kim, tương sinh với thủy, giúp tài lộc chủ nhà luôn dồi dào, phát triển mạnh mẽ. Các loại cá màu đỏ thì nên hoàn toàn tránh nuôi vì thuộc mệnh hỏa, khắc với thủy, sinh ra phá tài, hao của.
3.4. Số lượng cá
Nếu nuôi cá thường thì nên nuôi 9 con, với ý nghĩa là vĩnh cửu, vạn sự may mắn trường tồn lâu dài. Một gợi ý cho bạn đó là nuôi 8 con cá vàng và nuôi thêm 1 con màu đen, có tác dụng bảo vệ tài lộc và hơn thế là chống hao tài, mất của. Nếu chọn loại cá nhỏ thì vẫn có thể đáp ứng được con số 9 khi nuôi trong bể cá cảnh mini.
4. Các loại cá cảnh mini dễ nuôi
Chọn bể cá cảnh mini đồng nghĩa với việc bị hạn chế số lượng và chủng loại cá bạn có thể nuôi. Đó hoàn toàn là một nhận định sai lầm. Có rất nhiều loại cá với kích thước nhỏ nhắn, xinh xắn nhiều màu sắc lại dễ nuôi, rất phù hợp với những người mới. Các loại cá này có thể dễ dàng tìm mua ở bất kỳ tiệm cá cảnh nào, với giá chưa tới 10.000 đồng/con cho loại phổ thông.
4.1. Cá Bảy Màu
Tên gọi cá bảy màu là cái tên Việt Nam dân dã xuất phát từ màu sắc sặc sỡ của chúng. Con đực trưởng thành có chiều dài từ 2-3 cm trong khi con cái nhỉnh hơn một chút, dao động trong khoảng 2.5-4 cm.
Các sắc tố màu sắc được thể hiện bắt mắt nhất ở phần đuôi xòe rộng như cánh quạt, đặc biệt lại càng trở nên mờ ảo hơn khi cá chuyển động. Bất kỳ tổ hợp màu sắc nào bạn có thể nghĩ đến thì đều có thể tìm thấy ở loài cá cảnh mini này.
Trong đó, cá bảy màu rồng là giống cá dễ bắt gặp nhất ở Việt Nam với họa tiết ở đuôi độc đáo, phù hợp với người mới nuôi. Bên cạnh đó còn có những giống cao cấp hơn như cá bảy màu Thái Lan hay cá bảy màu Koi Nhật Bản.
4.2. Cá Vàng
‘‘Hai vây xinh xinh, cá vàng bơi trong bể nước’’. Chắc hẳn không cần phải bàn cãi về mức phổ biến của loài cá này nữa. Cá vàng hay còn gọi là cá ba đuôi, thường gặp nhất là màu vàng cam, cam đen và trắng đỏ.
Là loài cá hiền lành, thông minh và thân thiện với chủ nuôi, có thể dễ dàng nuôi chung cùng nhiều loại cá khác. Đối với bể cá cảnh mini nhỏ để bàn, chỉ cần nuôi từ một đến hai chú cá vàng với kích thước vừa lòng bàn tay là đã đủ bầu bạn rồi đấy.
4.3. Cá Ngựa Vằn
Cá ngựa vằn hay còn có tên gọi khác là các sọc ngựa, dễ nuôi trong các bể cá cảnh mini. Đúng như tên gọi của nó, thân cá điểm xuyết những sọc dài chạy khắp cơ thể như ngựa vằn.
Không quá sặc sỡ như cá bảy màu, cá ngựa vằn thường đơn sắc nhưng vì tập tính bơi theo đàn sẽ tạo cảm giác dải màu bắt mắt không kém.
Cần lưu ý trang bị nắp đậy cho bể cá cảnh mini của bạn nếu chọn nuôi cá ngựa vằn vì chúng hiếu động, thường nhảy cao lên mặt bể.
4.4. Cá Tứ Vân
Lại là một loại cá có sọc nhưng lần này là sọc đứng. Cá có dạng ovan, đặc trưng bởi 4 sọc đứng trên nền cơ thể có màu sáng, thường là vàng. Vì bản tính thích rỉa vây của những con cá khác, không nên nuôi chung với những loài cá có vây dài như cá Ông Tiên hay Cá Vàng.
Tùy thuộc vào kích thước của bể cá cảnh mini mà bạn có thể lựa chọn số lượng cá nuôi phù hợp, tuy nhiên chúng thường sống theo bầy đàn do đó bạn nên thả ít nhất là 5 con.
4.5. Cá Mún Hà Lan
Cùng họ hàng với cá bảy màu, vây đuôi của cá mún cũng có dạng xòe như quạt. Hầu hết các loài cá mún đều có màu đơn sắc như màu đỏ, vàng hoặc cam, tùy theo quá trình lai tạo mà trên cơ thể cá hạt lựu sẽ có thêm các chấm trắng, đen.
Thân mình cá mún ngắn, mập tròn, trông rất dễ gần và thân thiện.
Đặc biệt chúng rất thích ăn những loại rong rêu trong bể, vì vậy đây cũng là một loài giúp cho bể cá cảnh mini nhà bạn thêm phần sạch sẽ hơn.
5. Một số lưu ý khi nuôi trong bể cá cảnh mini
Không nuôi quá nhiều cá dẫn tới thiếu oxi và nước bẩn, dẫn đến chết cá. Không cho ăn quá nhiều sẽ làm bẩn nước và cá ăn quá no cũng chết.
Vì bể cá cảnh mini nhỏ nên nước nhanh bẩn khiến bạn phải thay nước thường xuyên sẽ làm cá sốc nước và chết.
Nước máy nuôi cá cần xử lý bằng cách chứa nước trong thau chậu, sau 24h khí clo bốc hết đi mới nuôi cá được. Mỗi lần chỉ thay từ 50 đến 70% nước để cá không bị sốc. Khi cá được nuôi lâu và quen với nước, ta tăng lên thay 80% rồi mới đến 100% nước.
6. Kết luận
Trên đây là tất tần tật những điều bạn cần biết để có thể tự trang bị cho mình một chiếc bể cá cảnh mini vừa đẹp mắt, vừa thân thiện với ngân sách eo hẹp. Chúc bạn nuôi cá thành công!
Originally posted 2020-05-11 13:31:43.