Kỹ thuật nuôi cá cảnh

Cẩm nang về nước nuôi cá kiểng

Farmvina

No Comments

Ai cũng biết, cá sống nhờ nước. Nước là yếu tố vô cùng quan trọng cho sự sống của cá kiểng, mà chất lượng nước thì gần như không phải vùng nào cũng giống nhau; ngay mùi vị cũng khác nhau. Trong khi đó đa số cá kiểng lại rất mẫn cảm với mùi và vị của nước. Do đó nếu được nuôi trong môi trường nước tốt thì sức khoẻ cá tốt. Ngược lại gặp nước không thích hợp thì cá khó sống và bị chết.

Nói cách khác, cá nước ngọt thích hợp với nước ngọt, cá nước lợ thì chỉ thích hợp với nguồn nước lợ …

Chọn được nguồn nước thích hợp cho cá, còn phải lo gạn lọc để nước được trong sạch, không bị ô nhiễm mới dùng được. Mặc khác, nước trong hồ nuôi cá kiểng còn đòi hỏi phải có lượng dưỡng khí hoà tan đầy đủ, có độ pH bảo đảm yêu cầu sinh trưởng cho cá và có nhiệt độ thích hợp.

Nước dùng cho hồ cá kiểng có thể dùng nước mưa, nước máy, nước giếng và cả nước ao hồ, sông suối, miễn hợp vệ sinh là được.

  • Nước mưa: Nước mưa vừa mới hứng được, hay chứa trong lu, trong khạp lâu ngày được coi là loại nước tốt nhất để nuôi cá kiểng. Nếu chứa vào lu khạp thì phải đậy kín để tránh bụi bặm, đồng thời cũng tránh chuột bọ sa chân rơi vào.
  • Nước máy: Nước máy nuôi cá kiểng cũng không thua gì nước mưa, được đánh giá là thứ nước vừa trong sạch, vừa vô trùng. Tuy vậy không nên dùng nước máy mới hứng để nuôi cá kiểng, mà phải hứng trữ vài ba ngày để nồng độ Clor tan hết mới nuôi cá sống tốt được. Lượng thuốc khử trùng trong nước máy rất nhỏ vô hại đối với con người, những lại có hại cho cá, có thể làm cá chết. Ngày nay, nước máy được xem là nguồn nước chính để nuôi cá kiểng, nhất là ở vùng thành thị, một điều dễ hiểu là nước máy lúc nào cũng có sẵn, chi phí cũng rẻ.
  • Nước giếng: Nước giếng dùng để nuôi cá kiểng cũng tốt. Giếng nào có nước ngọt và trong dùng cho người ăn uống thì nuôi cá rất tốt. Tốt nhất là nên múc nước giếng đổ vào lu khạp một vài ngày để nước lắng trong rồi mới bơm vào hồ nuôi cá.
  • Nước ao hồ, sông suối: Nước ao hồ sông suối nếu không bị tù đọng, không ô nhiễm, độ pH thích hợp trong sạch vẫn có thể cho vào hồ nuôi cá kiểng được. Tuy vậy, tốt nhất phải cho lắng đọng và lọc kỹ lại mới dùng được.

Nếu nuôi cá kiểng với số lượng ít, nuôi trong hồ nhỏ thì vấn đề nước không mấy quan trọng, nhưng nếu nuôi cá với số lượng nhiều để kinh doanh thì nước là chuyện đáng lo. Thường thì những nơi này đều có lập hồ lớn để chứa nước sạch, để khi dùng đến là có sẵn với số lượng nhiều.

1. Thay nước hồ cá

Tuỳ theo kích thước hồ lớn hay nhỏ, tuỳ theo mật độ cá kiểng trong hồ cao hay thấp mà nước trong hồ cá lâu hay mau bẩn. Hồ nhỏ mà cá nuôi nhiều thì nước mau nhiễm bẩn. Nước hồ dơ là do chất thải của cá, do những thức ăn dư thừa của cá còn sót lại trong hồ khiến nước bị bẩn đục, thậm chí hôi hám. Sống trong môi trường nước nhiễm bẩn như vậy lây ngày cá sẽ kiệt sức dần mà chết, vì vậy ta phải thay nước mới vào hồ cá. Trong trường hợp hồ quá bẩn, ta còn phải kết hợp việc thay nước dơ bằng nước sạch với việc vệ sinh hồ, cọ rửa đáy hồ, thành hồ cho sạch sẽ.

Dụng cụ lọc nước dù có cũng không đảm bảo cho hồ cá có người nước sạch lâu dài. Máy lọc chỉ hỗ trợ một phần mà thôi, giúp nước hồ bớt bẩn. Ống xi phông cũng vậy. Tuy nói như thế nhưng trang bị được máy lọc và ống xi phong vẫn tốt hơn.

2. Thời gian thay nước

Thời gian thay nước cũ trong hồ bằng nước mới dài ngày hay ngắn ngày là còn tuỳ vào mức độ ô nhiễm của nước trong hồ ít hay nhiều. Tuy vậy, dù nước hồ có hệ thống lọc làm sạch, thì tối đa vài tháng cũng phải thay nước cho hồ một lần. Không nên để cho hồ cá thật bẩn mới thay, vì như vậy là vô tình làm hại đến sức khoẻ cá nuôi, vừa làm giảm vẻ mỹ quan cho hồ cá. Hồ cá là vật trang trí cho phòng khách, mà để nước quá bẩn thì tạo được vẻ hấp dẫn gì nữa?

Muốn cho hồ đỡ nhiễm bẩn ta có nhiều cách:

  • Dùng hệ thống lọc: Nhờ có máy lọc nước trong hồ mới bớt ô nhiễm. Các chất dơ bản mà cá thải ra hằng ngày và thức ăn thừa được máy lọc rút bớt.
  • Dùng ống xi phông: Nhờ ống xi phong rà khắp đáy hồ để tìm hút ra ngoài những chất bẩn. Bất cứ giờ giấc nào trong ngày, hễ mình thấy vật dơ là lập tức rút ra. Nhờ đó mà nước trong hồ lúc nào cũng trong và sạch.

Nếu siêng, cứ vài ba ngày thay từ 10 đến 20 phần trăm nước trong hồ một lần, thì nước cũng lâu bẩn. Nếu sử dụng cách này theo đúng chu kỳ như vậy thì ba tuần thay nước một lần cũng không hại gì đến sức khoẻ của cá.

cá cảnh
Hướng dẫn thay nước cho hồ cá kiểng

Trong trường hợp không làm theo những cách trên thì nước hồ rất mau bẩn. Nếu mật độ cá kiểng trong hồ cao thì có thể mỗi tuần phải thay nước. Dù lượng nước mới đã được lắng trong trước đó vài ngày thì mỗi lần thay cũng phải chừa lại ba phần tư nước trong hồ. Nói cách khác, mỗi lần thay nước, ta dùng ống xi phong rút nước bẩn ra ngoài khoảng một phần tư, sau đó bơm nước mới vào cho đầy hồ trở lại mới tốt. Điều cần nữa là giữa nước mới và nước cũ trong hồ phải có độ pH và nhiệt độ ngang nhau mới đạt yêu cầu, sự sai lệch của nhiệt độ cho phép chỉ khoảng một – hai độ mà thôi.

3. Cách thay nước

Như trên đã đề cập đến, mỗi lần cần thay nước hồ, dù chỉ thay một phần nhỏ hay thay hết, ta cũng cố tránh để cá khỏi sợ hãi. Tốt nhất ta không nên dùng vợt vớt hết cá nuôi ra ngoài, chờ đến khi bơm nước mới vào đầy hồ, lại thêm một lần nữa vớt cá cho vào hồ trở lại. Việc di cá “thô bạo” như vậy, ngoài việc làm cho cá sợ hãi, còn có thể gây cho cá những thương tật ở vi kỳ, ở vảy hoặc đuôi. Con cá khi đã sợ thì cứ … chúi đầu chạy như ma đuổi, do đó không tránh khỏi tà mỏ (do đụng mạnh vào vách kiếng của hồ), bị rách đuôi (điều này thường gặp ở cá tàu). Đó là chưa nói đến việc quá sợ, cá kiểng có thể nhảy vọt ra khỏi hồ, không chết cũng trầy vi tróc vảy, không còn giá trị gì nữa.

Cách tốt nhất khi thay nước cho hồ là cứ để cá sống tự nhiên, rồi dùng ống xi phong rà khắp bề mặt đấy hồ để rút bớt độ sáu bảy chục phần trăm nước cũ trong hồ ra. Nước rút đến đâu thì bầy cá cứ nhởn nhơ bơi lội trong phần nước hồ còn lại, gần như không hay biết một điều gì khác lạ đang xảy ra trong môi trường sống của chúng. Sau đó ta lại từ từ bơm nước mới cho đầy đủ trở lại.

Việc thay nước nên thực hiện lúc bên ngoài trời ấm áp, nắng ráo. Những lúc mưa to gió lớn, khí hậu bên ngoài thay đổi quá bất thường ta không nên thay nước hồ, trừ trường hợp nước quá dơ bẩn, và cá nuôi đang có hiện tượng bị ngộ độc bởi nguồn nước dơ bẩn này.

Xin nhắc lại, chỉ khi nào nước trong hồ quá bẩn, thậm chí có mùi khó ngửi, đáy và thành hồ bị rêu bám do lâu ngày không cọ rửa, thì ta mới nghĩ đến việc dùng vợt để vớt hết cá nuôi ra ngoài để dễ làm vệ sinh hồ, sau đó thay nước mới hoàn toàn vào hồ mà thôi.

Câu Hỏi Thường Gặp

Cách giúp hồ nuôi cá kiểng ít nhiễm bẩn?

(1) Dùng hệ thống lọc: Nhờ có máy lọc nước trong hồ mới bớt ô nhiễm. Các chất dơ bản mà cá thải ra hằng ngày và thức ăn thừa được máy lọc rút bớt; (2) Dùng ống xi phông: Nhờ ống xi phong rà khắp đáy hồ để tìm hút ra ngoài những chất bẩn. Bất cứ giờ giấc nào trong ngày, hễ mình thấy vật dơ là lập tức rút ra. Nhờ đó mà nước trong hồ lúc nào cũng trong và sạch.

Nên thay nước trong hồ vào thời gian nào?

Nếu siêng, cứ vài ba ngày thay từ 10 đến 20 phần trăm nước trong hồ một lần, thì nước cũng lâu bẩn. Nếu sử dụng cách này theo đúng chu kỳ như vậy thì ba tuần thay nước một lần cũng không hại gì đến sức khoẻ của cá.

Cách thay nước trong hồ cá kiểng?

Cách tốt nhất khi thay nước cho hồ là cứ để cá sống tự nhiên, rồi dùng ống xi phong rà khắp bề mặt đấy hồ để rút bớt độ sáu bảy chục phần trăm nước cũ trong hồ ra. Nước rút đến đâu thì bầy cá cứ nhởn nhơ bơi lội trong phần nước hồ còn lại, gần như không hay biết một điều gì khác lạ đang xảy ra trong môi trường sống của chúng. Sau đó ta lại từ từ bơm nước mới cho đầy đủ trở lại. Việc thay nước nên thực hiện lúc bên ngoài trời ấm áp, nắng ráo.

Originally posted 2014-10-23 08:38:41.

Farmvina mang đến những kiến thức và kinh nghiệm bổ ích giúp bạn nuôi thú cưng dễ dàng và hiệu quả. Chúng tôi phát triển trang web này với những ký ức đẹp về BadBoy, chú chó Lạp Xưởng (Dachshund) đã qua đời mà chúng tôi yêu quý.

Viết một bình luận

Item added to cart.
0 items - $0.00