Nuôi cá cảnh dù số lượng nhiều hay ít, nuôi một vài con hay đôi ba cặp để tiêu khiển hoặc nuôi đại trà để kinh doanh cá cảnh thì ta cũng phải lo sắm dụng cụ nuôi mới bắt đầu nuôi cá cảnh được. Từ nửa thế kỷ trước, ông bà ta nuôi cá cảnh với dụng cụ rất đơn giản, chỉ lo sắm dụng cụ để đựng cá là đủ rồi. Nhưng, càng về sau, nhất là ngày nay mọi dụng cụ phục vụ cho ngành nuôi cá cảnh vô cùng phong phú, vừa đẹp, vừa sang, vừa tiện lợi, lại giúp cho vật nuôi có môi trường sống tốt hơn so với môi trường ngoài thiên nhiên của chúng, nên cá lúc nào cũng sống khoẻ mạnh. Dụng cụ nuôi cá cảnh tóm tắt lại gồm có:
1. Chai keo
Trước đây khoảng 50 năm, ông bà mình nuôi cá kiểng chỉ với chai keo, tức chai thuỷ tinh. Loại chai nhỏ có xuất xứ từ Chợ Lớn, có dung tích chứa được nửa lít nước đến một lít nước để nuôi cá lia thia ta, lia thia xiêm hay đôi ba con cá Tàu là đủ thoả mãn rồi. Ngày nay, tuy đã có nhiều dụng cụ nuôi cá kiểng vừa đẹp vừa tiện lợi nhưng chai keo vẫn chưa phải lỗi thời khi dùng cho việc nuôi cá lia thia để đá, hoặc vài thứ cá kiểng nhỏ con như Hồng Kim, Bảy Màu …
2. Hồ kiếng
Giới nuôi cá kiểng tại nước ta mới nghĩ được các làm hồ kiếng cũng khoảng gần nửa thế kỷ nay thôi. Những hồ kiếng “mới ra lò” trong những năm đầu rất thô kệch, do phải ráp nối bằng xi măng, chứ không phải loại keo hoá học như ngày nay. Vì gắn kết bằng xi măng nên người ta chỉ làm được những loại hồ nhỏ, chứa được bốn – năm lít nước là nhiều. Thế nhưng, loại hồ kiếng đó cũng mang lại dáng dấp mỹ quan và văn minh hơn đối với chai keo, nên ai cũng thích dùng.

Ngày nay, hồ kiếng để nuôi cá kiểng có nhiều kích thước lớn nhỏ. Loại hồ lớn có thể chứa được vài ba trăm lít nước, cá thả vào đây mặc sức tha hồ bơi lội vẫy vùng. Với loại hồ như vậy vừa nuôi được nhiều cá, vừa để làm vật trang trí tại phòng khách, vì các kiểu hồ đều có dáng đẹp, hấp dẫn, nhất là khi được trang bị những dụng cụ phụ trợ cần thiết bên trong như máy lọc nước, máy bơm oxy … cùng những vật trang trí tuyệt đẹp khác
3. Hồ xi măng
Hồ xi măng được xây bằng gạch, âm dưới đất hoặc xây nổi lên mặt nước. Với loại hồ xây nổi trên mặt đất, mặt tiền hồ thường được gắn bằng kính dày năm ly trở lên để ta dễ dàng quan sát được rõ ràng sự sinh sống của cá. Với hồ xi măng thì kích thước rộng hẹp bao nhiêu là tuỳ vào nhu cầu của chủ nuôi.
Thời trước người mình thường xây hồ xi măng trước sân nhà để nuôi cá Tai Tượng. Gióng cá tai tượng Việt Nam (Osphronemus Goramy) vốn có tuổi thọ khá dài, lại lớn con, nuôi trong hồ xi măng khoảng mười lăm năm có thể cân nặng được năm sáu ký lô, cho nên nuôi làm cảnh rất thích.
Ngày nay, hồ xi măng còn được dùng làm dụng cụ để nuôi cá kiểng kinh doanh, vừa tiện lợi, vừa rẻ tiền và bền chắc. Một cái hồ xi măng nếu xây bằng gạch thẻ và tô hồ “già” có thể xài được vài mươi năm.
4. Đào ao
Việc đào ao để nuôi cá kiểng, ông bà mình đã biế táp dụng từ hàng ngàn năm trước. Nuôi theo cách này con cá được sống trong tự nhiên. Tất nhiên, ao nuôi cá đào ngoài đất trống tốt hơn là đào trong nhà.
Nuôi cá kiểng bằng cách đào ao có nhiều điều tiện lợi, thứ nhất là không mấy tốn kém, thứ hai là đào theo kích thước lớn nhỏ ra sao là tuỳ vào nhu cầu của mình. Cá nuôi trong ao mau lớn, khoẻ mạnh, ít tốn thức ăn cũng như ít công chăm sóc. Ao là nơi giúp cá kiểng sinh sản tốt (hợp với đời sống tự nhiên của chúng) mà cá con cũng mau lớn, lại sung sức.
Có điều, đào ao nuôi cá phải có kỹ thuật, nếu không sẽ không sử dụng được.
Khi đào ao, lớp đất trên mặt ao phải được để riêng một bên, sau này dùng vào việc be bờ. Đất mặt là đất tốt, đã thuần thục rồi, mức độ nhiễm phèn không đáng kể nữa. Lớp đất bên dưới nên dời đến một vùng cách xa ao vì đất này có nhiều phèn, nếu để phèn theo nước mưa mà trôi xuống ao, sẽ làm cho cá chết.
Ao đào xong, ta phải rắc đều khắp một lớp vôi bột để khử phèn. Một vài tuần sau đó, ta lại rải lên khắp mặt đáy ao một lớp phân chuồng hoai mục rồi cho nước vào để ngâm hồ một thời gian. Chỉ khi nào quan sát nước trong hồ có nhiều phiêu sinh vật, lại có rong rêu xuất hiện cùng khắp, là hồ có thể nuôi cá sống được. Hồ chỉ có biểu hiện sự sống, khi nồng độ hydrogene trong nước bằng 7 (nồng độ pH = 7), hoặc lên xuống chút đỉnh. Tuy vậy, trước khi thả cá kiểng vào nuôi, ta nên cẩn thận thả trước một số lượng rất ít xem chúng có sống được không.
5. Hệ thống lọc
Nuôi cá kiểng trong hồ kiếng và cả hồ bằng xi măng, nước trong hồ mau bị ô nhiễm do chất thải của cá và do chất thải vương vãi trong hồ. Với hồ xi măng thì thỉnh thoảng thay nước mới cũng được, nhưng với hồ kiếng thì nên sắm hệ thống lọc để giúp nước hồ được trong trẻo lâu ngày hơn.

Hệ thống lọc có tác dụng làm sạch nước trong hồ, bằng cách “thu gom” sạch những chất hữu cơ thối rữa trôi nổi trong nước, nhờ đó mà không gây nguy hiểm đến sức khoẻ của cá kiểng. Máy lọc còn có cái lợi rất lớn là tạo được dòng chảy trong nước khiến sức khoẻ của cá nuôi được đảm bảo tốt hơn. Máy lọc nước có nhiều kích cỡ tuỳ theo nhu cầu của người nuôi cá cảnh. Với loại hồ nhỏ thì ta dùng loại lọc nhỏ. Với loại hồ lớn chứa vài ba trăm lít thì nên dùng bộ lọc loại có công suất mạnh. Nếu để ý, các bạn sẽ thấy cá kiểng thích lai vãng đến những nơi có dòng chảy này.
6. Hệ thống không khí
Đây là hệ thống cung cấp oxy cho nước trong hồ. Thiếu hệ thống này cá nuôi dễ bị chết ngạt trong khi nước hồ lâu ngày chứa quá nhiều thán khí CO2. Với hồ rộng lớn hệ thống không khí cần đủ mạnh mới giúp cá sinh trưởng tốt được. Những dụng cụ hệ thống lọc, hệ thống không khí … đều được bán tại các cửa hàng bán cá cảnh và dụng cụ cá cảnh, giá cả cũng không quá đắt.
7. Ánh sáng
Trừ một số ít loài cá cả đời chỉ sống trong hang hốc tối tăm, còn các loài cá kiểng khác đều thích sống nơi có lượng ánh sáng phù hợp với nó. Tất nhiên cá được nuôi ngoài trời được hấp thụ ánh sáng tự nhiên là rất tốt. Hồ cá đặt trong phòng khách cũng nên tìm nơi có ánh sáng chiếu được nhiều giờ nhất trong ngày mới tốt. Nếu không ta phải vận dụng đến ánh sáng nhân tạo là hệ thống đèn điện. Cá nuôi hấp thu đầy đủ ánh sáng màu sắc tươi tắn, sống khoẻ mạnh và sinh sản tốt. Tuy vậy, cũng tuỳ theo đặc tính từng giống cá mà điều chỉnh cường độ ánh sáng cho phù hợp mới có lợi. Có giống thích ánh sáng chan hoà khắp cả mặt hồ, nhưng cũng có giống như cá đĩa chẳng hạn, chỉ thích ánh sáng chiếu nhẹ vào một phần hồ mà thôi. Tiếc thay, nhiều chủ nuôi lại thích sử dụng cường độ ánh sáng chiếu vào hồ theo ý thích riêng của mình, điều này lại không tốt cho sức khoẻ cá. Vì vậy, tuỳ theo đặc tính của từng loại cá, mà ta có thể dùng đèn chiếu sáng khắp mặt hồ hoặc dùng bóng tròn để tạo nên chỗ sáng chỗ tối …
8. Hệ thống sưởi
Hệ thống sưởi không cần thiết lắm đối với những vùng nuôi cá ôn hoà và tương đối ổn định, nhất là cá nuôi vốn là giống cá thuộc vùng nhiệt đới. Vì vậy nhiệt độ lên xuống trong khoảng từ 20 độ C đến 30 độ C, nhiều giống cá kiểng vẫn sống tốt. Những nơi nào nhiệt độ dưới 20 độ C hoặc nơi nào có mùa rét đậm thì hồ cá phải trang bị hệ thống sưởi. Trong trường hợp này, nếu có sẵn máy sưởi, ta sẽ tăng nhiệt độ cho nước hồ lên mức đủ ấm.
9. Nhiệt kế
Nhiệt kế đặt vào hồ nuôi cá kiểng cũng rất cần thiết, vì nhờ đó mà ta biết được nhiệt độ nước hồ lên xuống ra sao, để nếu cần thì điều chỉnh kịp lúc. Nhiệt kế rất cần để xem nhiệt độ trong lúc cá đẻ, nhất là với những giống cá đòi hỏi phải có nhiệt độ thích hợp vào lúc này. Như cá đĩa chẳng hạn.
Đối với nhiều giống cá kiểng không “trái tính trái nết” như cá chép, tai tượng, cá tàu ông tiên … thì hồ cá không cần thiết phải dùng đến nhiệt kế.
10. Vợt cá
Không ai bắt cá kiểng bằng tay, mà phải dụng vợt để vớt. Tuỳ vào thân cá kiểng lớn hay nhỏ mà ta dùng vợt có kích thước phù hợp. Với người khéo tay, họ có thể làm lấy vợt mà dùng. Vật liệu là lưới chỉ mắt nhỏ để dùng vớt loại cá kiểng lớn, hay vải mỏng dùng vớt các loại cá kiểng nhỏ. Khung vợt nên làm bằng kẽm.

11. Ống cao su
Ống cao su còn gọi là ống xi phong, là loại ống nhựa nhỏ có chiều dài độ vài ba mét, tốt nhất là dài ngắn theo nhu cầu của người nuôi. Nhờ có ống xi phông mà mỗi khi thay nước hồ không gây cho cá một sự hoảng hốt nào. Mỗi khi thay nước mới, lượng nước cũ không nên rút cạn kiệt, mà phải chừa lại khoảng 20 – 30%, như vậy cá nuôi trong hồ mới không bị sốc.
Tóm lại muốn nuôi cá kiểng, dù nuôi số lượng ít để tiêu khiển hoặc nuôi số lượng nhiều để kinh doanh ta cũng phải sắm đủ dụng cụ cần thiết để nuôi. Với những dụng cụ nào có thể tự làm được thì ta nên tự làm, dù có xấu chút đỉnh cũng không sao, miễn dùng được, không cần thiết lắm thì không nên mua sắm, tốn kém vô ích.
Câu Hỏi Thường Gặp
Nuôi cá cảnh cần có những dụng cụ nào?
1. Chai keo; 2. Hồ kiếng; 3. Hồ xi măng; 4. Đào ao; 5. Hệ thống lọc; 6. Hệ thống không khí; 7. Ánh sáng; 8. Hệ thống sưởi; 9. Nhiệt kế; 10. Vợt cá; 11. Ống cao su.
Originally posted 2014-10-22 14:35:47.