Nuôi cá kiểng sinh sản như thế nào?
Xưa nay, đa số người có máu nuôi cá kiểng, thường thích việc “cản cá”, tức là nuôi cá để đẻ kiếm lợi cá con mà nuôi hoặc bán ra ngoài.
Hầu hết những người nuôi cá, đặc biệt là cá lia thia đều thích trò tiêu khiển này. Người nuôi cá lia thia cũng cùng chung một ước muốn như người nuôi gà nòi đá độ. Cá lia thia cũng là loại cá đá mà. Muốn vậy, ta phải nuôi đủ trống mái và phải nắm vững phần kỹ thuật về việc cản cá cũng như nuôi cá con ra sao.
Người nuôi cá lia thia cũng giống như dân nuôi gà nòi, họ có chung một kinh nghiệm đó là con mái mới quyết định sự hay hay dở về thế đá của dòng con sau này, vì vậy họ cố tạo cho được dòng mái lì, mái dữ mà nuôi. Còn tất cả các giống cá kiểng khác, người ta chỉ cần chọn con mái mập mạp, khoẻ mạnh là được.
Muốn nuôi cá kiểng cho sinh sản, bạn cần phải nắm vững những điều cần biết sau đây:
Phải biết phân biệt giới tính cá kiểng
Cá kiểng cũng như chim, cách phân biệt trống mái cũng giống với loài thú. Loài thú dù to như con voi hay nhỏ như con chuột nhắt, đực cái khác nhau ở bộ phận sinh dục của nó.
Với chim chóc, đa số giống, trống mái khác nhau ở sắc lông và vóc dáng. Về thân mình, con trống lớn hơn con mái. Về màu sắc, chim trống đẹp hơn chim mái. Giới tính của cá thì khó phân biệt hơn, hầu hết trông con nào cũng giống con nào. Muốn nuôi cá để sinh sản thì điều trước tiên đòi hỏi phải biết phân biệt giới tính của từng giống cá mà bạn đang nuôi. Nhưng điều này không hề dễ. Chỉ những ai nuôi cá lâu năm, nhiều kinh nghiệm trong nghề mới biết được.
Một sự phân biệt dễ nhận thấy nhất là cá trống thường có thân mình thon dài, trong khi mình cá mái lại bầu bĩnh hơn. Tuy vậy, với chi tiết này không thôi, không ai dám đoán chắc một trăm phần trăm là đúng! Để đạt sự chuẩn xác, ta còn phải quan sát kỹ các bộ phận khác của cá như vi, bụng, hậu môn (nơi đây cũng là bộ phận sinh dục của cá), đồng thời còn quan sát cả cách bơi lội của chúng mới dám đi đến kết luận cuối cùng.
Về cách phân biệt giới tính, có một số giống cá do có những đặc điểm riêng biệt nên giúp ta dễ phân biệt hơn, ví dụ như cá lia thia, cá hồng kim …
Với cá lia thia, cá trống bình thường cũng có màu sắc như cá mái, nhưng khi sung lên, toàn thân nó đỏ ửng màu tím hồng đặc trưng rực rỡ, trong khi cá mái lúc nào thân mình cũng lợt lạt, nếu sợ hãi còn nổi sọc dưa dọc theo thân mình. Còn hồng kim trống có thuỳ dưới ở đuôi mọc dài ra như lưỡi kiếm rất dễ nhận. Chính vì có đặc điểm dễ nhận thấy này mà hồng kim được mang một tên khác là “cá kiếm“.
Với những giống cá cảnh khó phân biệt được giới tính rõ ràng, từ trước đến nay chủ nuôi chỉ còn cách là để tâm theo dõi qua nhiều cách sau đây:
- Cách dễ nhất là thấy cá mái trong mùa sinh sản bụng căng to, vì bên trong chứa nhiều trứng, nếu bụng màu trắng thì trứng còn non, mái mới cấn chửa, nếu bụng trứng đỏ trở nên màu vàng, bụng to hơn, cá lội chậm chạp là lúc bên trong chứa nhiều trứng đã già. Lúc này có con nào lẽo đẽo cặp kè theo cá mái chính đó là cá trống.
- Bình thường trong hồ cá, dù cùng một giống, mỗi con vẫn lo kiếm ăn mỗi hướng, không con nào quan tâm đến con nào. Nhưng, vào mùa sinh sản thì cá trống rượt đuổi theo cá mái để bắt cặp với nhau. Từ đó, lúc nào chúng cũng như bóng với hình, kề cận bên nhau.
Khi nhận đúng cặp trống mái thì ta dùng vợt vớt chúng ra nuôi riêng cho sinh sản. Và từ đó trở về sau, với cặp cá đó bạn chắc chắn không còn lẫn lộn giới tính của chúng nữa. Cặp trống mái đó vẫn cho bắt cặp với nhau vào lứa sau, không cần phải thay đổi, nếu thấy chúng vẫn sinh đẻ tốt.
Phải nắm vững cách sinh sản của từng giống cá
Trong đời sống hoang dã, giống cá kiểng nào cũng sinh sản tốt. Thế nhưng, khi bắt nuôi trong hồ thì nhiều giống bỏ tập tính tự nhiên này, hoặc có đẻ nhưng lại nuôi con kém. Mặt khác, gần như mỗi giống cá lại có cách sinh sản khác nhau, nên bạn cần phải biết rõ để tuỳ từng trường hợp mà xử lý cho đúng cách, có như vậy mới thu được nhiều lợi.
Thực tế cho thấy có giống cá kiểng làm tổ bằng bọt nước rồi gắn trứng lên đó để chờ ngày nở. Có giống đẻ trứng vào cọng rong, vào rễ lục bình. Có giống lại để trứng lên những tấm đã phẳng … Nhờ nắm vững được điều đó, nên khi các sắp đẻ, ta có thể “lót ổ” cho nó tạo điều kiện thuận lợi cho cá sinh sản.
Đó là trường hợp đẻ trứng, còn việc nuôi con thì gần như mỗi giống cũng có cách riêng:
- Có giống cá trống không cho cá mái nuôi con, và giành lấy phần việc khó khăn này cho riêng mình.
- Có giống khi con nở ra là cá mẹ ăn con không thương tiếc, khiến cá con nở nhiều mà không sống được bao nhiêu (nhờ biết vậy mà ta tìm cách ngăn ngừa)
- Có giống cá kiểng không đẻ trứng mà đẻ thẳng ra cá con, và con tự sống, không cần đến sự nuôi dưỡng cũng như bảo vệ của cá cha mẹ.
- Có giống tới giờ đẻ trứng phải cần nhiều trống “ép” một mái thì việc đẻ trứng mới suôn sẻ được.
- Có giống cá kiểng có thói quen chỉ đẻ ban ngày, như cá Dĩa. Có giống chỉ đẻ ban đêm, như cá Tàu, và nhiều giống cá lại đẻ bất kỳ giờ giấc nào trong ngày.
Kể ra biết được những điều này rất thú vị và có lợi.
Cách nuôi cá cha mẹ sau khi sinh sản
Nuôi một cặp cá kiểng đâu chỉ để khai thác một lứa cá con, mà còn là khai thác lâu dài, cả chục lứa về sau. Vì vậy, với những cặp cá sinh sản tốt, nuôi con giỏi, sau mùa sinh sản ta nên có phương pháp nuôi dưỡng đặc biệt để chúng mau hồi sức.
Trước hết cần cách lý cá trống mái ra nuôi riêng mỗi con một hồ (có thể nuôi chung với nhiều trống khác, nhiều mái khác, cùng giống hay khác giống). Hồ nên đặt nơi yên tĩnh, hằng ngày cung cấp thức ăn đầy đủ, và cho chúng sống với môi trường nước cũ (không phải nước lạ), bên nuôi cá trống cũng như bên nuôi cá mái.
Trong thời gian nuôi con, trống mái đều gần như kiệt sức, vì cá cha mẹ vừa lo canh giữ con, vừa nhường mồi con con ăn nên cá cha mẹ ốm yếu. Nay được nuôi dưỡng trong môi trường sống tốt, chúng sẽ mau hồi sức, nhất là cá trống.
Chỉ khi nào cá mái có hiệu tượng bầu trứng đã già, lúc đó ta mới ghép đôi lại cho chúng đẻ lứa sau.
Originally posted 2014-10-30 09:59:44.