Chim cảnh đẹp

Chim trĩ đỏ: Nuôi và chơi thế nào?

Farmvina

No Comments

Trĩ đỏ là loài chim thuộc họ trĩ. Chúng sống ở khu vực miền Bắc Việt Nam và Đông Nam của Trung Quốc. Chim trĩ đỏ có đuôi dài và nhỏ, bộ lông có nhiều màu sắc đẹp; trĩ đực trưởng thành có đầu, họng và trước cổ xanh lục, các phần còn lại có màu nâu đỏ và nâu vàng với các chấm đen, phần dưới cơ thể, đặc biệt là phần ngực có màu tối hơn.

  • Farmvina có 1 bộ bài viết hướng dẫn nuôi chim trĩ tại Nuôi chim trĩ làm giàu: Học miễn phí tại Farmvina . Bộ tài liệu không chỉ cung cấp các thông tin về đặc tính và cách nuôi chim trĩ thuần tuý, mà còn hướng dẫn bạn cách gầy giống, nuôi công nghiệp loài chim này theo hướng kinh doanh.

Trĩ cái trưởng thành lông có vằn, màu nâu điểm các chấm đen, mắt nâu đo, da trần ở mặt đỏ tươi, mỏ và chân màu ngà. Chim trĩ thường được nuôi làm cảnh trong các khu biệt thự nhà vườn hay khu sinh thái.

Lựa chọn chim trĩ đỏ

Khi lựa chọn chim trĩ đỏ có thể dựa vào đặc điểm cơ thể để chọn ra chim trống, chim mái. Ở cùng lứa tuổi chim trĩ trống thường có ngoại hình lớn hơn chim trĩ mái. Lúc còn nhỏ rất khó phân biệt. Chủ yếu dựa vào cảm quan nghề nghiệp và một số biểu hiện nhỏ về sự khác biệt trong tập tính sinh hoạt và ngoại hình chim.

Có thể phân biệt bằng mắt thường qua việc so sánh kích thước cơ thể, chiều cao chân, hoặc lỗ huyệt.

Khi được 2-3 tháng tuổi, chim trống có biểu hiện chuyển dần màu lông từ nâu nhạt sang màu đỏ pha, lúc này trọng lượng và chiều dài cơ thể lớn hơn chim mái rõ rệt. Trên cổ chim trống hình thành tuyến lông màu xanh lá cây hoặc màu tím sáng. Kế tiếp xuất hiện 1 vòng lông cổ màu trắng. Lông đuôi có màu đỏ và màu hạt dẻ pha trộn với các vệt đen hoặc trắng nhạt.

chim trĩ đỏ

Trên má hình thành hai mào đỏ và hai chỏm lông sừng màu xanh thẫm. Chim trống trưởng thành có thể nặng tới 1,5 – 2kg, lông đuôi có thể đạt 0,4 – 0,6m, tuỳ theo chế độ chăm sóc và mật độ nuôi thả.

Chim mái có kích thước nhỏ hơn chim trống. Sau khi thay ông ở thời kỳ 3-5 tháng tuổi, chim mái sẽ ổn định bộ lông màu tối có những đốm đen, pha lẫn màu hạt dẻ. Chim mái có đuôi ngắn hơn chim trống, trọng lượng bình quân của một con chim mái trưởng thành khoảng 0,7 – 1,3kg/con.

Chuồng nuôi chim trĩ đỏ

Đây là loài chim cảnh có kích thước lớn nên thay vì nuôi trong lồng thì ta làm chuồng nuôi cho chim. Chim trĩ thích nghi tốt ở nhiều điều kiện địa hình và vùng khí hậu. Việc làm chuống nuôi chim trĩ khá đơn giản, có thể tận dụng các khu chuồng nuôi cũ, hoặc nhà kho, xưởng, sau đó cải tạo lại, miễn sao đảm bảo vệ sinh, thoáng mát và kín để chim không bay đi mất.

Với chim non từ 1-3 tháng tuổi: nuôi trong chuồng lưới, có rải chấu, hạn chế tiếp đất, nuôi ở nơi kín gió và đảm bảo tốt nhất về công tác vệ sinh và cách ly phòng ngừa bệnh dịch. Hạn chế cho người lạ hoặc vật nuôi khác tiếp cận.

chim trĩ đỏ

Mật độ nuôi trong chuồng nhỏ:

  • Chim 0 – 30 ngày tuổi: 40 – 15 con/m2
  • Chim 30 – 60 ngày tuổi: 12 – 6 con/m2
  • Chim 60 – 90 ngày tuổi: 4 – 2 con/m2
  • Sau 90 ngày tuổi có thể đưa chim ra chuống lớn, với mật độ nuôi 1 – 2 con/m2.

Làm chuồng cho chim trĩ đỏ lớn:

Nên chia chuồng thành nhiều ô khác nhau để tiện cho công tác quản lý và theo dõi bệnh tật cũng như quá trình sinh trưởng và phát triển của chim.

Nếu làm chuồng mới để nuôi chim trĩ sinh sản thì có thể thiết kế theo khung cơ bản sau:

Rộng ngang: 3,5m x dài 6m x cao 2,5 – 2,8m.

Với diện tích ô chuồng này có thể nuôi được 20 – 25 cá thể chim bố mẹ sinh sản, hoặc 30 – 40 cá thể chim hậu bị.

Tường vây có thể xây hoặc dùng lưới B40, lưới mắt cáo. Trên nóc sử dụng các loại tấm lợp broxi măng hoặc vật liệu rẻ tiền sẵn có tại địa phương. Miễn sao đảm bảo cho chim không thoát ra ngoài.

Nền chuồng trại được rải một phần hoặc toàn bộ cát (sử dụng loại cát vàng) để chim tắm cát và làm ổ đẻ. Phần còn lại có thể sử dụng bằng nền bê tông, hoặc trồng cỏ trong khoảng sân trời.

Mái che có thể lập toàn phần hoặc bán phần miễn sao đảm bảo thoáng về mùa hè, ấm về mùa đông. Với các địa phương khu vực phía Bắc thường có rét đậm, rét hại vào mùa đông, hoặc sương muối nên che chắn cẩn thận toàn bộ chuồng nuôi bằng vải bạt và thắp điện sưởi để tránh rét cho chim.

Với các tỉnh khu vực phía Nam và Tây Nguyên có khí hậu nóng ấm quanh năm thì hạn chế che phủ chuồng trại. Tuy nhiên nên lưu ý đến các đợt mưa tạt, gió lùa vì đây là những thời điểm chim dễ mắc các bệnh về hô hấp, tiêu chảy …

Lưu ý: Thường xuyên vệ sinh chuồng trại định kỳ 2-3 lần/tuần. Phun thuốc khử trùng định kỳ. Thường xuyên kiểm tra để loại bỏ các vật sắc, nhọn, sợi nylon trong khu vực nuôi đề phòng chim ăn phải sẽ dẫn đến thủng diều, chết.

Nuôi chim trĩ đỏ sinh sản

Chim trĩ đỏ giống bình quân sau khi nuôi đến 8 tháng tuổi có thể đẻ trứng. Thời gian đẻ thường từ đầu tháng 1 Âm lịch đến khoảng tháng 4 Âm lịch. Sau đó chim trĩ ngừng đẻ khoảng 1 tháng rồi tiếp tục đẻ lứa thứ 2 đến khoảng tháng 8 Âm lịch thì nghỉ. Bình quân mỗi năm 1 chim mái có thể đẻ từ 68-80 trứng.

Với các tỉnh phía Bắc nước ta nơi có mùa Đông lạnh và kéo dài chim thường đẻ muộn hơn, thường mùa đẻ chỉ bắt đầu khi vào mùa xuân ấm áp. Các tỉnh khu vực phía Nam nơi có thời tiết nắng ấm, mùa đẻ của chim trĩ đỏ thường sớm hơn và kéo dài hơn. Ngoài ra số trứng, thời gian đẻ còn phụ thuộc vào kỹ thuật nuôi, chế độ cho ăn, và quản lý vật nuôi.

Nếu cho ăn tăng lượng đạm động vật, canxi và sử dụng một số tác nhân phụ có thể cho chim trĩ đẻ 2 quả/ngày hoặc đẻ quanh năm theo ý thích của người nuôi. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ áp dụng cho trường hợp khai thác trứng chim trĩ làm thương phẩm. Việc nhân giống chim không nên áp dụng, sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ sinh sản của chim bố mẹ cũng như chất lượng con giống sinh ra.

Chim trĩ trong tự nhiên không ấp trứng, chim thường đẻ nhờ vào tổ chim khác. Vì vậy khi đưa vào nuôi trong môi trường nhân tạo ta phải dùng tác nhân phụ để ấp trứng cho chim. Tỉ lệ nở phụ thuộc vào 2 yếu tố: là chất lượng phôi trứng và kỹ thuật ấp.

Thường có 2 cách cơ bản để ấp trứng chim trĩ đỏ:

  • Dùng vật nuôi khác có thân nhiệt và điều kiện ấp nở tương tự (thường dùng gà mái hoa mơ, gà tre …). Cách ấp này đơn giản như ấp trứng gia cầm thông thường, tuy nhiên cho tỉ lệ thành công thấp và khó áp dụng cho nuôi quy mô lớn.
  • Dùng máy ấp: Sử dụng loại máy ấp trứng gia cầm thông thường để ấp. Thời gian ấp nở khoảng 22 – 23 ngày. Hiệu chỉnh nhiệt độ, độ ẩm tuỳ theo giai đoạn.
    • Nhiệt độ ấp trong tuần đầu: 37,5 độ C, độ ẩm 55%
    • Tuần thứ hai: Nhiệt độ 37,3 độ C, độ ẩm 60%
    • Tuần thứ ba trở đi: nhiệt độ 37 độ C, độ ẩm 75%

Lưu ý: sử dụng hoàn toàn nước cất để tạo độ ẩm. Không dùng nước bẩn, có chứa tạp chất sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình bay hơi của nước.

Các tia máu hình thành trong trứng chim trĩ đỏ thường rất mờ và khó phân biệt. Vì vậy, đừng vội bỏ trứng ra khỏi lò sớm. Bản thân bên trong trứng trĩ cũng có chất hoá học, bảo quản trứng rất tốt.

Nuôi dưỡng chim trĩ đỏ qua các thời kỳ sinh trưởng

Nuôi chim con (giai đoạn từ 1 – 3 tháng tuổi): Chim được nuôi trong lồng nhỏ bằng lưới mắt cáo, sử dụng bóng điện hoặc đèn sưởi đảm bảo nhiệt độ 25-27 độ C. Không nuôi chim con tại nơi có gió lùa, mưa tạt.

Che đậy cẩn thận để đảm bảo an toàn cho chim khỏi các vật nuôi khác tấn công như: chó, mèo, chuột … Khu vực nuôi thường xuyên được khử trùng định kỳ tối thiểu 15-20 ngày/lần.

chim trĩ đỏ

Thức ăn: sử dụng loại cám viên dùng cho gà con, sử dụng loại máng ăn, máng uống tự chế hoặc máng dùng cho gà miễn sao đảm bảo vệ sinh. Nên cho lượng cám và nước vừa đủ, khi chim ăn hết nhấc máng ra vệ sinh và thay nước mới. Tránh để nước lưu lại sang ngày thứ 2. Với chim nhỏ sức đề kháng yếu ta sử dụng loại nước cất hoặc nước đun sôi để nguội cho chim uống.

Nuôi chim trưởng thành: Chim được nuôi trong lồng lớn sử dụng thức ăn dành cho gia cầm trưởng thành, gia cầm sinh sản (cám gà đẻ) kết hợp với thóc. Tỉ lệ pha tuỳ theo thời kỳ sinh trưởng của chim, có thể dùng tới 60% thóc trong khẩu phần thức ăn. Ngoài ra kết hợp cho ăn thêm các loại rau xanh: rau muống, rau lang, thân cây, thân cây chuối thái nhỏ … Hạn chế cho các loại thức ăn lạ: tôm, cua, cá có thể dẫn đến tình trạng chim bị tiêu chảy.

Trong quá trình nuôi đàn thường xảy ra hiện tượng chim cắn, mổ nhau. Vị trí mổ thường tập trung vào mắt, đỉnh đầu hoặc lỗ huyệt. Để hạn chế việc này ta có thể sử dụng một số phương thức sau:

  • Tách riêng cá thể chim bị đánh, hoặc chim đánh ra khỏi chuồng nuôi từ 3 đến 5 ngày. Sau đó thả lại bình thường.
  • Cho ăn bổ sung thêm một số khoáng chất: canxi, kẽm.
  • Cắt hoặc mài bớt phần mỏ dưới của chim. Việc cắt hoặc mài mỏ dưới của chim không làm ảnh hưởng đến ngoại hình (vì phần mỏ dưới bị che khuất). Không ảnh hưởng đến quá trình sinh sản của chim trống. Vì thực chất chim trĩ đỏ đạp mái thời gian diễn ra rất nhanh (từ 15 đến 30 giây) không nhất thiết cần sự hỗ trợ của bộ mỏ, nếu có chỉ cần mỏ trên là đủ. Ngoài ra việc cắt, mài mỏ còn loại bỏ được nguyên nhân ăn trứng của chim. Đây là lý do một số người đã nuôi chim trĩ trong thời gian dài vẫn không thấy chim sinh sản.

Phòng trị bệnh cho chim trĩ đỏ

  • Bệnh tiêu chảy, Ecoli: Chỉ yếu xảy ra sau quá trình vận chuyển hoặc môi trường nuôi không đảm bảo. Dùng vắc xin đặc trị Ecoli cho gia cầm tiêm hoặc cho uống (liều lượng bằng 2,5 lần hướng dẫn trên bao bì).
  • Bệnh về đường hô hấp: Chim có hiện tượng thở khò khè, chảy nước mũi, thở ngáp rồi chết. Nguyên nhân do thay đổi thời tiết, hoặc mật độ nuôi dày. Dùng thuốc đặc trị hen của gà nhỏ trực tiếp với liều dùng bằng 2 lần hướng dẫn sử dụng trên bao bì. Điều chỉnh lại mật độ nuôi, vệ sinh chuồng nuôi bằng thuốc khử trùng.
  • Bệnh đau mắt (sưng mắt): Mắt chim có mảng đục nhắm lại, một trong hai bên má bị sưng: Chim bị mù dẫn đến không thể tự ăn, uống mà chết. Dùng thuốc nhỏ mắt của người, nhỏ từ 3 đến 5 giọt. Kết hợp với tiêm nếu phát hiện trong mắt có giun, sán.

 

Ngọc Hà

 

Originally posted 2016-05-22 22:56:31.

Farmvina mang đến những kiến thức và kinh nghiệm bổ ích giúp bạn nuôi thú cưng dễ dàng và hiệu quả. Chúng tôi phát triển trang web này với những ký ức đẹp về BadBoy, chú chó Lạp Xưởng (Dachshund) đã qua đời mà chúng tôi yêu quý.

Viết một bình luận

Item added to cart.
0 items - $0.00