Cá phượng hoàng (Ramirez’s dwarf Cichlid) là loài cá có màu sắc rất đẹp. Toàn thân có màu ngũ sắc cầu vồng lấp lánh và những đốm xanh rải đều khắp mình. Phần lưng màu sẫm, nhạt dần về phía bụng và có một đường sẫm chạy dọc từ sau nắp mang đến gốc đuôi. Các vây cá ở phần cuối đều kéo dài thêm. Vây đuôi một thùy, phần cuối nhọn, tương tự như một chiếc quạt tròn rất đẹp. Đặc biệt ở cá đực, phía trước vây lưng có hai tia cứng thứ hai và thứ ba dài.
Dưới ánh sáng trực tiếp, màu sắc cá biến đổi liên tục theo cường độ ánh sáng, tạo cho cá một vẻ đẹp huyền ảo hơn hẳn các loài cá khác.
Họ: Cá rô phi – Cichlidae
Phân bố: Nam Mỹ, ở vùng Rio Paraguay.
Chiều dài: 5cm.
Chiều dài bể: 60cm.
Chế độ ăn: Giun, động vật thân giáp, côn trùng, thức ăn tổng hợp.
Nhiệt độ nước: 23-30 độ C.
Bể nuôi chung.
Cá đực và cá cái cùng chuẩn bị chổ đẻ. Chúng thường đẻ trong hang chứ không đẻ trong nước tự do. Để cá có chỗ sinh sản, cần đặt vào bể một bó hoa lộn ngược, hoặc một nửa cái gáo dừa (đặt vào một góc bể, để lộ một lối ra vào) hoặc bất kỳ một vật dụng khác để có hang hốc. Cá đực cai quản một địa điểm sinh đẻ tương đối rộng, trong địa điểm này, nhiều cá cái chiếm lĩnh nhưng diện tích nhỏ hơn. Cá đực ve vản cá cái và chỉ giao hoan với một cá cái mà thôi.
Cá cái đẻ 30 đến 60 trứng màu đỏ. Chúng chăm sóc trứng và những cá bột nở ra. Nó có bản năng làm mẹ rất phát triển. Còn cá đực chỉ bơi luẩn quẩn quanh đó để trông chừng những kẻ thù đến uy hiếp.
Cá phượng hoàng vàng (Yellow dwarf Cichlid – Cichlidae nain jaune) có thân dẹp ngang không kéo dài. Vây lưng và vây hậu môn cao và nhọn về phía sau. Ở cá đực, đầu cuối vây kéo dài tới tận mép dưới của vây đuôi, trong khi ở cá cái, các cơ quan này rõ ràng là ngắn hơn. Vây đuôi có dạng nột cái quạt. Ở cá đực, màu nền là vàng xám, với bụng màu vàng nhạt. Hông cá có nhiều sắc óng ánh màu xanh lơ, trong khi má cá và nắp mang được trang điểm nhiều chấm màu lục bóng. Vây lưng màu vàng ở phần cuối sau và màu lục nhạt ở phần trước, cũng có sắc óng ánh màu xanh lơ, ở gốc có những điểm sẫm màu, ngang hay dọc, có thể xuất hiện trên các hông, nhất là khi cá bị kích thích. Cá cái sẫm màu hơn, ngả sang màu vàng vào thời kỳ sinh sản.
Trong bể nuôi, cá phượng hoàng vàng cần có nước ngọt, hơi axit. Cần có đá hoặc những vật thể nhân tạo khác xếp trên nền bể để cá có chỗ trú ẩn làm hang đẻ trứng.
Cá phượng hoàng sống thích hợp trong những bể kính có trang trí đá, thực vật thủy sinh vì tập tính của chúng là ưa lẩn tránh trong những vật thể có sẵn. Cá này đẻ trừng trên đá, sỏi hay cát mịn. Trước khi đẻ, cá đực và cá cái hoặc chỉ có cá đực chọn lựa một số đá mà chúng ưa thích rồi dùng miệng chùi đi chùi lại những viên đá cho thật sạch. Cá cái sẽ đẻ trứng vào đá và cá đực tới thụ tinh cho trứng. Cá đực và cá cái luân phiên canh giữ trứng, đảo trứng và bảo vệ con. Ở nhiệt độ 26-28 độ C, sau 36-42 giờ, trứng sẽ nở ra cá bột nổi lên trên mặt nước. Sau khoảng 5 tuần, khi bắt đầu bơi lội được, cá con thường quây quần thành đàn quanh cá bố mẹ. Chúng đã có thể ăn trùng cỏ và tiếp theo là rận nước Daphnia, từng mảnh giun ống Tubiflex. Cá lớn có thể ăn giun, ấu trùng ruồi.
Originally posted 2014-04-21 07:17:16.