Chăm sóc chó

Chuồng chó: Phân loại và cách chọn phù hợp

Farmvina

1 Comment

Cún của bạn cần chuồng chó như thế nào?

Chuồng chó rất quan trọng khi bạn nuôi chó. Bạn nuôi một em cún nhưng em quá nghịch ngợm, không thể để em tự do chạy nhảy trong nhà mỗi khi bạn đi vắng nhưng lại không muốn em bị xích vì sẽ gây khó chịu?! Bạn muốn đưa em đi xa, trên con xe tay ga nhưng em lại chưa biết ngồi xe máy?!…

Đó là những lý do bạn cần một chiếc nhà cho chó hoặc chuồng chó cho em cún của mình. Trên thực thế, việc chọn chuồng và nhà cho chó có chủ yếu dựa vào kích thước và chất liệu.

Bài viết này sẽ đưa ra các đánh giá về từng loại và hướng dẫn bạn cách chọn chuồng, nhà hoặc chuồng sao phù hợp nhất với chú cún của mình.

Các loại chuồng chó và nhà cho chó

Có 4 loại chuồng (hoặc nhà) chó phổ biến nhất là:

  • Chuồng kim loại (thường là inox)
  • Chuồng nhựa
  • Chuồng làm bằng chất liệu mềm
  • Chuồng gỗ (mây, tre,…)

1. Chuồng chó Inox

Đây là loại chuồng được sử dụng nhiều nhất hiện nay. Chuồng được làm bằng kim loại, đa phần dùng Inox hoặc thép không gỉ. Ưu điểm của loại chuồng này là rất sạch sẽ, rất dễ lau chùi, có thể gấp lại nhỏ gọn (tùy loại), và quan trọng nhất là chúng rất thoáng, thích hợp với thời tiết nóng ẩm ở Việt Nam. Chuồng Inox có rất nhiều kích thước, thích hợp cho mọi loại chó từ tí hon đến khổng lồ.

Tuy nhiên, loại chuồng này nhìn chung là không có tính thẩm mĩ, nhìn rất thô nên mục đích duy nhất của chúng chỉ là nơi ở của chó hoặc dùng để vận chuyển chó đi xa bằng oto, tầu hỏa hoặc máy bay.

2. Chuồng chó bằng nhựa

Chuồng nhựa thường có phần lớn thân được làm bằng nhựa dẻo, chỉ có cửa sổ và cửa ra vào được làm bằng các thanh kim loại nhỏ nên rất nhẹ, có tính thẩm mỹ tốt nên có thể dùng để đưa chó đi dạo. Loại chuồng này cũng thích hợp hơn vào mùa đông vì kín đáo hơn giúp chắn gió tốt. Một vài giống chó cũng thích sự “riêng tư” và cảm thấy rất thoải mái với chuồng nhựa thay vì chuồng inox có thể nhìn thấu cảnh “sinh hoạt” bên trong của chúng.

Tuy nhiên chuồng nhựa hầu hết là không thể gấp lại nhỏ gọn nên tốn diện tích khi không sử dụng, khó lau chùi và có thể có mùi khó chịu sau khi dùng được một thời gian nên phải thay mới.

3. Chuồng chó làm bằng chất liệu mềm

Loại chuồng này có thể được làm bằng vải, sợ nilon, đệm mút hoặc các chất liệu mềm khác. Loại chuồng này nhìn ít đáng sợ hơn đối với những chú chó lần đầu tiên phải ở trong chuồng. Chuồng mềm cực nhẹ và hầu hết có thể gấp gọn lại để mang theo trong balo, rất thích hợp dùng cho những chuyến dã ngoại.

Nhược điểm thì bạn nhìn là có thể đoán ra, chúng không chắc chắn, không phải loại có thể sử dụng lâu dài, có thể bị cào hoặc cắn rách bởi những chú chó nghịch ngợm và hay ngứa răng. Rất khó để làm sạch nếu chẳng may cún bậy bên trong. Cửa của chúng cũng không chắc chắn, một số giống chó thông minh như Collie, Poodle,… có thể học cách tự mở cửa trong một vài lần bị nhốt.

4. Chuồng chó bằng gỗ, hoặc mây tre

Loại chuồng này không đơn thuần chỉ là chỗ ở của cún, chúng có tính thẩm mĩ cao, có thể dùng làm vật trang trí và một số tác dụng khác trong nhà, rất thích hợp cho những người chủ muốn gần cún thường xuyên.

chuồng chó

Tuy nhiên cá nhân mình thấy thì loại chuồng này hại nhiều hơn lợi. Chúng đắt hơn khá nhiều so với các loại chuồng khác, thêm nữa là chúng rất khó vệ sinh và rất dễ bị phá hoại bởi những chú chó nghịch ngợm, chỉ cần nhốt em dachshund (với răng và móng sắc nhọn) vài lần là bạn sẽ không còn nhận ra cái chuồng mới mua nữa. Loại chuồng gỗ cũng chỉ được sử dụng ở trong nhà, hầu như không thể mang theo khi ra ngoài.

Bạn nên chọn loại chuồng nào?

Tất nhiên phải tùy vào mục đích sử dụng của bạn.

  • Nếu bạn chỉ đơn thuần cần một nơi cho chó ở thì chuồng inox là phù hợp nhất.
  • Nếu bạn muốn xách chó đi dạo hoặc vận chuyển đi xa thì chuồng nhựa rất thích hợp vì chúng nhẹ và trông đẹp mắt.
  • Nếu bạn không sử dụng nhiều mà chỉ cần nơi ở cho chó trong những chuyến dã ngoại thì nên chọn chuồng mềm, chúng siêu nhẹ và có thể gấp gọn khi không dùng.
  • Chuồng gỗ chỉ thích hợp với những người ưa thẩm mĩ. Cá nhân mình thì mình không thích loại chuồng này do giá đắt và nhanh hỏng. Chó chỉ cần cào cào cắn vài lần là đi tong cái chuồng, hết thẩm mỹ luôn.

Kích thước của chuồng chó và nhà cho chó

Kích thước là yếu tố quan trọng hơn chất liệu khi chọn chuồng chó, kích thước phù hợp sẽ giữ cho chúng thoải mái khi bị nhốt trong chuồng. Một chuồng chó có kích thước phù hợp với chú chó phải đảm bảo các tiêu chí sau:

Chiều dài và và chiều cao của chuồng phải lớn hơn ít nhất 5cm so với chiều dài (từ mũi đến hết đuôi) và chiều cao (từ chân đến đỉnh đầu) của chú chó. Chiều rộng tối thiểu = (dài + cao) : 2.5

Trên thực tế, theo kinh nghiệm của mình thì nên chọn loại chuồng lớn hẳn (gấp 2 – 3 lần kích thước của chó) vì các lí do sau:

  • Có thể ngăn thành nhiều chuồng nhỏ để nuôi được nhiều.
  • Để không gian cho chó còn lớn sau này (nếu nuôi chó con).
  • Có không gian cho chó mẹ sinh đẻ và nuôi con.
  • Có không gian rộng rãi khi chúng dẫn bạn tình về nhà.

Trên đây là một vài phân tích của mình dựa vào kinh nghiệm trong quá trình nuôi cún. Chúng bạn chọn được ngôi nhà phù hợp cho em cún của mình!

Cách làm chuồng chó đẹp

Như vừa nói ở trên, các loại chuồng bằng inox, bằng sắt hoặc nhựa chúng ta đều có thể dễ dàng mua sẵn trên thị trường. Vì thế, dưới đây chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn đọc tự làm chuồng chó bằng gỗ.

Trước khi bắt tay thực hiện làm chuồng cho chó, chúng ta cần cân nhắc tới thiết kế, loại gỗ và thiết kế sao cho phù hợp. Quan trọng cần đảm bảo không gian riêng cho thú cưng phải thoải mái, giúp chúng xoay người hay đứng ngồi đều không bị gò bó.

Chuẩn bị vật liệu

Nên chọn những loại gỗ có khả năng cách nhiệt tốt, khô thoáng và không thấm nước để làm chuồng. Chọn số lượng gỗ vừa đủ, to bản liền nhau hoặc các miếng gỗ rời rồi gắn lại cũng được. Tiếp đó là những dụng cụ cần thiết để thi công như: Búa, đinh, cưa, khoan, thước đo, keo dán, sơn,…

Thiết kế chuồng

Sau khi đã có kích thước chuẩn và đầy đủ vật liệu, chúng ta bắt đầu vẽ thiết kế lên bản gỗ. Thông thường chuồng chó sẽ có dạng hình vuông hoặc hình chữ nhật, trong đó:

  • 1 tấm gỗ làm sàn
  • 2 tấm làm mái che cho chuồng.
  • 4 tấm xung quanh cắt bằng nhau. Cạnh tiếp xúc với mặt sàn phải vừa với cạnh sàn. Riêng 2 tầm trước sau phải cắt vuông dưới và vót nhọn dần trên mái. Tấm phía trước để trống một khoảng vừa đủ cho cún để làm cửa ra vào.

Khi tiến hành vẽ lên bản gỗ cần tính toán sao cho các mặt khít theo tỷ lệ nhất định. Từ chiều rộng, chiều cao và góc mái. Như thế khi ghép chuồng mới tạo độ liền mạch, chắc chắn và thẩm mỹ.

chuồng chó
Hướng dẫn cách làm chuồng chó bằng gỗ

Thực hiện

Sau khi hoàn tất phần thiết kế, dựa vào đó chúng ta tiến hành cắt các mảnh gỗ theo kích thước đã định sẵn. Khâu thực hiện là rất quan trọng nên bạn cần chú ý.

Dựa vào bản vẽ chi tiết bạn cắt các mãnh gỗ  theo kích thước đã định sẵn. Đây là một trong những bước quan trọng nhất trong quá trình làm chuồng. Dùng các dụng cụ chuẩn bị sẵn để khoan và lắp đặt các mảnh gỗ, các góc của các mặt trên dưới, trước sau để tạo thành khung.

Có thể lắp thêm các vật liệu cách nhiệt, chống thấm bên ngoài chuồng chó như giấy dầu, mái tôn, mái ngói. Tốt hơn nữa, bạn có thể gắn thêm một mái hiên bên ngoài để chó thò đầu ra hóng gió và quan sát xung quanh.

Trong chuồng bạn có thể đặt thêm một tấm vải lót, quần áo bỏ đi hoặc chăn bông để chó thoải mái và dễ chịu hơn. Sau khi hoàn tất thì tìm vị trí thích hợp để đặt chuồng cho chó. Nơi đặt chuồng cần thông thoáng, tránh mưa nắng để bảo đảm sức khỏe của thú cưng và độ bền của chuồng.

Như vậy chúng tôi vừa chia sẻ với bạn đọc cách làm chuồng chó đẹp cùng những lợi ích khi làm chuồng cho thú cưng. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp bạn lựa chọn hoặc tự mình làm được cho chó cưng một ngôi nhà thoải mái nhất để nghỉ ngơi.

 

Câu Hỏi Thường Gặp

Có các loại chuồng chó và nhà cho chó nào?

Có 4 loại chuồng (hoặc nhà) chó phổ biến nhất là: (1) Chuồng kim loại (thường là inox); (2) Chuồng nhựa; (3) Chuồng làm bằng chất liệu mềm; (4) Chuồng gỗ (mây, tre,…).

Bạn nên chọn loại chuồng nào?

Nếu bạn chỉ đơn thuần cần một nơi cho chó ở thì chuồng inox là phù hợp nhất. Nếu bạn muốn xách chó đi dạo hoặc vận chuyển đi xa thì chuồng nhựa rất thích hợp vì chúng nhẹ và trông đẹp mắt. Nếu bạn không sử dụng nhiều mà chỉ cần nơi ở cho chó trong những chuyến dã ngoại thì nên chọn chuồng mềm, chúng siêu nhẹ và có thể gấp gọn khi không dùng. Chuồng gỗ chỉ thích hợp với những người ưa thẩm mĩ. Cá nhân mình thì mình không thích loại chuồng này do giá đắt và nhanh hỏng. Chó chỉ cần cào cào cắn vài lần là đi tong cái chuồng, hết thẩm mỹ luôn.

Kích thước của chuồng chó và nhà cho chó như thế nào?

Chiều dài và và chiều cao của chuồng phải lớn hơn ít nhất 5cm so với chiều dài (từ mũi đến hết đuôi) và chiều cao (từ chân đến đỉnh đầu) của chú chó. Chiều rộng tối thiểu = (dài + cao) : 2.5

Originally posted 2016-05-24 11:10:55.

Farmvina mang đến những kiến thức và kinh nghiệm bổ ích giúp bạn nuôi thú cưng dễ dàng và hiệu quả. Chúng tôi phát triển trang web này với những ký ức đẹp về BadBoy, chú chó Lạp Xưởng (Dachshund) đã qua đời mà chúng tôi yêu quý.

1 bình luận về “Chuồng chó: Phân loại và cách chọn phù hợp”

  1. Xin chao !
    Nha e co nuoi 1 e cho cai , dc 6 nam roi, dang binh thuong nhung sao tu nhiên bo an va non mua hon 1 tuần roi , di bac si chích thuoc nhung van ko khỏi , ko chịu an gi het ,may hnay thi da đỡ oi hon roi nen e đút cháo cho no an , moi hwa tu nhiên bi non oi lai , cang ngay no cang om tro xuong , vay e phai lam sao , xin giúp e voi , cho e nuoi la cho thuong lai long xu , dc 3k3 , giong cai, dc 6nam roi ah , e cam on !!

    Trả lời

Viết một bình luận

Item added to cart.
0 items - $0.00