Tin tức

Bệnh dại: Những điều bạn cần biết

Farmvina

No Comments

Tổng quan về bệnh dại

Mỗi năm trên thế giới có 5 vạn người tử vong do bệnh dại. Cứ 15 phút có 1 người châu Á tử vong vì bệnh dại: 40% số này là trẻ em dưới 15 tuổi. Đó là tuyên bố của bác sĩ FX-Meslin tại Hội nghị quốc tế về bệnh dại họp ở Băng Cốc (Thái Lan). BS. Meslin còn cho biết cứ mỗi giờ có 800 người châu Á nghi bị súc vật dại cắn và phải đi tiêm vacxin.

Khi bị chó, mèo dại hoặc nghi dại cắn, phải rửa thật kỹ vết thương bằng xà phòng, nước muối, dội nhiều lần để sát khuẩn và làm giảm đến mức tối thiểu lượng virus còn lại ở vết thương. Sau đó bôi chất sát khuẩn như cồn, cồn iot đậm đặc.

Không nên làm vết thương mở rộng để tránh tình trạng virus xâm nhập nhanh hơn. Sau khi rửa vết thương phải đến các điểm tiêm phòng dại để thầy thuốc chuyên khoa khám và có biện pháp điều trị dự phòng cụ thể cho từng trường hợp.

Bệnh dại là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính truyền từ súc vật sang người, là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus dại gây ra (Rabie virus, họ Rhabdo – viridae).

Người bị nhiễm virus dại sẽ lên cơn dại và tử vong nếu không được xử lí đúng cách và kịp thời.

Bệnh dại tiến triển thế nào?

Người bị con vật nhiễm virus dại cắn sẽ ủ bệnh trong 2-8 tuần (có thể chỉ khoảng 10 ngày, nhưng cũng có thể lâu hơn). Thời gian ủ bệnh tùy thuộc vào vị trí vết cắn và số lượng virus xâm nhập vào cơ thể qua vết cắn. Cơn dại bắt đầu với cảm giác sợ hãi, đau đầu, sốt, khó chịu và cảm giác dị thường liên quan đến vết thương do súc vật cắn. Mỗi khi nhìn thấy nước hoặc uống nước, cơ nuốt co thắt làm cho bệnh nhân sợ hãi. Sau đó, bệnh tiến triển đến liệt, có cơn điên cuồng hoặc co giật. Bệnh thường kéo dài từ 2 đến 6 ngày, đôi khi lâu hơn. Nạn nhân chết do liệt cơ hô hấp. Tất cả những bệnh nhân đã lên cơn dại đều tử vong.

Ổ chứa virus dại ở đâu?

Các loài thú ăn thịt hoang dã và súc vật nuôi trong nhà đều có thể đang mang mầm bệnh dại. Ở Trung và Nam Mỹ có đàn dơi hút máu. Đàn dơi ăn hoa quả và đàn dơi ăn côn trùng cũng bị nhiễm dại. Ở nước ta, ổ chứa virus dại chủ yếu là chó, mèo nuôi.

bệnh dại

Những súc vật khác như: trâu, bò, lợn, thỏ, sóc, chuột… cũng có thể bị nhiễm virus dại. Người bị chúng cắn vẫn phải đi kiểm tra lại ở các cơ sở y tế để tiêm phòng vacxin nếu nghi nghờ súc vật đó bị dại.

Tại sao người lại bị dại? Người bị dại có thể truyền cho người khác không?

Người mắc bệnh dại là do virus dại từ nước dãi của súc vật nhiễm bệnh truyền vào cơ thể thong qua vết cắn (hoặc vết cào, vết rách, xước trên da, thậm chí qua niêm mạc). Sự lây truyền bệnh dại từ người sang người có thể xảy ra nếu trong nước dãi của người bị bệnh có virus dại. Gần đây, một số tài liệu công bố là có những trường hợp lây do ghép giác mạc của người chết vì bệnh dại (mà trước đó không chẩn đoán được).

Trong trường hợp nào, người bị súc vật cắn phải đi tiêm phòng dại ngay?

Phải đi tiêm phòng dại ngay trong trường hợp sau:

– Con vật lên cơn dại hoặc nghi dại.

– Vết cắn gần thần kinh trung ương như: thân, đầu, mặt, bộ phận sinh dục và nhiều vết cắn nguy hiểm.

– Không theo dõi được con vật.

Trường hợp nào chỉ cần theo dõi chó, mèo và theo dõi trong bao lâu?

Nếu vết cắn rất nhẹ và xa thần kinh trung ương và tại thời điểm cắn người, con vật đó sống bình thường, hoàn toàn không có biểu hiện nghi ngờ dại thì không cần tiêm phòng. Tuy nhiên, phải theo dõi con vật 10-15 ngày. Trong thời gian đó, nếu thấy con vật có biểu hiện không bình thường: ốm, bỏ ăn, chết, mất tích, bán hoặc mổ thịt… thì phải đi tiêm phòng dại ngay. Nếu sau 15 ngày kể từ khi cắn người mà con vật vẫn bình thường thì không cần đi tiêm phòng.

Khi tiêm phòng dại, cần lưu ý những gì?

Vacxin phòng dại có thể gây một số phản ứng nhẹ tại chỗ như ngứa, tấy đỏ… nhưng vài ngày sau sẽ hết. Những người có cơ địa dị ứng, bệnh mãn tính hay nghiện rượu có thể bị sốt nhẹ, nhức đầu, buồn nôn, chóng mặt.

Tuy nhiên tỷ lệ những người có phản ứng phụ nói trên là rất thấp. Khi có các triệu chứng nêu trên, bệnh nhân phải báo cho bác sĩ ở phòng tiêm để có biện pháp xử lý kịp thời.

Làm thế nào phòng chống bệnh dại?

– Hạn chế nuôi chó. Chó nuôi phải được kiểm soát, không thả rông.

– Tiêm phòng dại 100% chó, mèo nuôi.

– Diệt hết chó, mèo đã tiếp xúc với vật nuôi bị dại.

– Không bán chó mèo khi đang có dịch dại.

– Người bị chó, mèo dại, nghi dại cắn hoặc tiếp xúc phải đi tiêm phòng càng sớm càng tốt.

– Bất cứ ai bị nhiễm virus dại cũng cần đi tiêm vacxin và huyết thanh kháng dại để điều trị dự phòng.

Originally posted 2018-07-09 09:00:10.

Farmvina mang đến những kiến thức và kinh nghiệm bổ ích giúp bạn nuôi thú cưng dễ dàng và hiệu quả. Chúng tôi phát triển trang web này với những ký ức đẹp về BadBoy, chú chó Lạp Xưởng (Dachshund) đã qua đời mà chúng tôi yêu quý.

Viết một bình luận

Item added to cart.
0 items - $0.00