Gà nòi

Gà chọi hay: Bí quyết nuôi và chăm sóc

Farmvina

No Comments

Kinh nghiệm nuôi gà chọi hay: ra sao?

Gà chọi hay sau khi lành tích và xổ thêm vài lần với gà lạ đồng chạng thấy có tài nghệ đặc biệt thì ta nên nuôi riêng, với chế độ ăn nuôi dưỡng và chăm sóc riêng.

Gà chọi hay phải được cho ăn no, thức ăn phải bổ dưỡng, nước uống vừa trong sạch, vừa thừa mứa vì gà đói khát rất mau xuống sức. Mà khi đã xuống sức thì phải mất nhiều thời gian mới vực lên nổi!

Ngoài việc ăn uống no đủ ra, mỗi ngày ta phải cho gà chọi tắm sương, tắm nắng theo đúng giờ giấc quy định. Chương trình xổ đá hàng tháng cũng phải vạch ra mà thực hiện cho đúng lịch trình.

Ta phải o bế chăm sóc con gà chọi hay của ta như người võ sĩ phải tự tập luyện gân cốt cho mình được dẻo dai vậy.

Cắt tỉa lông

Khi gà trống nòi đã thay lông xong, bộ lông trên mình từ đầu đến chân đã già (cứng lông) thì ta dùng kéo bén tỉa tận gốc những phần lông ở cổ, ở nách, hai bên hông, ở lường và đùi gà.

Việc làm này giúp con gà gọn gàng, lại dễ cho ta vô nghệ cho săn da chắc thịt. Phép tỉa xén lông không được nhổ, mà dùng kéo bén cắt sát gốc từng sợi một, nghĩa là cắt sát da. Khi lông đã già thì sợi lông bị cắt, đến kỳ thay lông mới là mọc lại. Vì vậy, trên mình dù nhiều chỗ bị xén trụi lông, nhưng sức khoẻ của gà không bị ảnh hưởng xấu.

Vô nghệ

Dùng củ nghệ già đâm nhuyễn ngâm chung với nước tiểu của người, trong đó có thêm chút phèn chua, muối hột và rượu trắng. Nên dùng cái siêu hay hủ mà ngâm một vài tuần mới đem dùng dần. Vô nghệ có nghĩa là dùng nước nghệ ngâm này tắm cho gà, nhất là sau khi gà vừa xổ hay đá xong.

Cách vô nghệ là dùng tay vốc nước nghệ sềnh sệt xoa bóp lên mình gà nhiều lần để dung dịch này ngấm dần vào da khiến thịt da, gân cốt của gà được săn chắc. Sau khi vô nghệ một buổi, hay một ngày là ta phải xả nghệ bằng cách dùng xác trà và nước sạch chà xát khắp mình gà. Sau khi tắm xong, ta thấy gà hồi sức rất nhanh.

Có thể vô nghệ trong vài ba lần liên tiếp, nhưng không nên lạm dụng quá nhiều lần, vì như vậy con gà sẽ “rom” lại, không những không tăng lực mà còn bị mất sức.

Còn việc tắm nước lạnh bình thường cho gà thì nên tắm ngày một đôi lần trong mùa nắng nóng. Nên phun nước lên mình gà, hoặc “sang” hơn, thay nước bằng rượu trắng cũng tốt.

Dầm cẳng

Gà nòi trống cần phải có đôi chân mạnh mẽ, cũng như con ngựa đua mà đôi chân không khoẻ thì làm sao có thể cất gió như bay?

Muốn chân gà cứng cáp, vài tuần trước khi ra trường ta nên dầm cẳng cho gà để gân cốt ở chân được săn chắc, cứng cáp.

Thuốc dầm cẳng gà cũng là rượu trắng, nước tiểu trẻ con, củ nghệ tươi già đâm nhuyễn, phèn chua và muối hột mỗi thứ một ít. Tất cả những thứ đó đem ngâm trong siêu hay hủ độ một tuần là dùng được.

Nước ngâm chân gà không cần đậm đặc. Mỗi lần dùng là múc nước nghệ đó ra cái siêu nhỏ, cho hai chân gà đứng vào trong siêu, sao cho nước thuốc ngập ngang gối gà là được.

Ta chịu khó giữ gà đứng yên như vậy trong mười lăm phút đến nửa giờ. Giờ giấc dầm cẳng gà có thể sáng hoặc chiều hôm. Sau khi dầm cẳng xong, ta có thể không rửa sạch chân gà cũng được.

Tắm sương

Cho gà tắm sương (còn gọi là quần sương) vào lúc trời còn tờ mờ sáng là việc nên thực hiện thường xuyên, nhất là những ngày tốt trời, nhưng không bão, không gió lạnh …

Mỗi sáng thả gà ra sân, ra vườn, cho chúng đi lại tự đo, bay nhảy tự do. Nếu thả một lần vài ba con thì nên thả mỗi con một góc sân, góc vườn tránh cho chúng xáp lại đá nhau gây thương tật. Khi trời hết hơi sương thì ta nhốt gà vào bội, vào chuồng để cho chúng ăn uống.

Độ tám chín giờ, mặt trời lên cao thì cho gà tắm nắng. Tắm nắng có thể không cần thả rong mà rê bội ra chỗ có nắng sáng là được.

Uống nước đêm

Gà nòi được uống nước đêm thì mau nở cần. Cổ không những to mà lại mạnh, sức lực của gà cũng nhờ đó mà mạnh bạo hơn, dẻo dai hơn.

Vào khoảng nửa đêm, khi thức ăn trong bầu diều của gà đã được tiêu hoá gần hết, ta bắt gà ra cho uống nước đêm. Đúng ra là ta ép gà uống nước cho đầy bầu diều.

Thường có hai cách thực hiện:

  1. Ôm gà chặt vào bên mình, banh mỏ gà ra trong khi miệng mình ngậm đầy một búng nước rồi trúng từ từ vào cho đến lúc bầu diều của gà căng lên là được. Thường phải dùng đến hai ba búng nước mới đủ căng bầu diều.
  2. Dùng một ống trúc nhỏ dài độ 10 phân, một đầu cho vào búng nước trong miệng mình, còn đầu kia đút vào mỏ gà để trúng nước qua từ từ cho đến khi bầu diều căng tròn là được.

Gà được uống nước khuya, nó có vẻ khoan khoái, ngủ say mê. Sáng ra, trông gà sởn sơ, đi đứng mạnh dạn, giọng gáy cũng to hơn, thanh hơn …

–> Xem trang kế: Các cách tập dượt gà chọi

Originally posted 2016-05-23 23:58:06.

Farmvina mang đến những kiến thức và kinh nghiệm bổ ích giúp bạn nuôi thú cưng dễ dàng và hiệu quả. Chúng tôi phát triển trang web này với những ký ức đẹp về BadBoy, chú chó Lạp Xưởng (Dachshund) đã qua đời mà chúng tôi yêu quý.

Viết một bình luận

Item added to cart.
0 items - $0.00