Để nuôi cá đĩa thành công (phần 1)

1. Tìm hiểu về cá Đĩa
  1.1. Xuất xứ và đặc điểm sinh thái
– Cá Đĩa được phát hịện vào năm 1840 bởi một nhà ngư loại học người Áo – Tiến sĩ  Johann Jacob Heckel.
– Quê hương của cá Đĩa là các vùng nước trũng, tù đọng trên các nhánh sông Amazon chảy qua các nước Nam Mỹ như  Brazil, Peru, Venezuela và Columbia. Các vùng nước tìm thấy cá Đĩa có đặc điểm sinh thái bao gồm: nước rất trong, độ nhìn thấy có thể lên đến 1.6 – 4.5m; nước có tính axit nhẹ, độ pH =  4 – 7 (phần lớn pH = 4 – 6); độ cứng tổng cộng cũng rất thấp (nước rất mềm): 1odH (17 – 18 mg/l CaCO3), nhiệt độ nước khá ấm (26oC); hàm lượng muối hòa tan rất thấp: 10 – 60 ms (microseimens).
– Vị trí phân loại của cá Đĩa trong Lớp Cá Xương như sau:
Bộ cá Vược: Perciformes
Họ cá Rô phi: Cichlidae
Các loài: Symphysodon discus Heckel (cá Đĩa xanh, đỏ có 9 sọc đứng)
Symphysodon aequifasciatus, có 3 loài phụ
S. aequifasciatus aequifasciatus (cá Đĩa xanh – green discus)
S. aequifasciatus axelrodi (cá Đĩa nâu – brown discus)
S. aequifasciatus  haraldi (cá Đĩa lam – blue discus)
   1.2. Một số đặc điểm sinh học:
Sinh trưởng: nuôi trong bể kiếng, cá tăng trưởng chậm : sau 6 – 8 tháng nuôi cá có thể đạt : 6 – 10 cm (kích cở thương phẩm)
Sinh sản: cá thành thục sau: 12 – 20 tháng tuổi. Cá đẻ trứng dính bám vào giá thể. Trứng nở sau 50 – 60 giờ (tùy nhiệt độ). Trứng dinh dưỡng bằng noãn hoàng trong 2 – 3 ngày đầu, sau đó bám vào mình cá cha mẹ và dinh dưỡng bằng chất tiết trên mình cá cha mẹ. Từ ngày thứ 12 sau khi nở cá có thể ăn bobo, artemia. Sau 3 – 4 tuần cá có thể ăn trùn chỉ.

2. Nuôi cá Đĩa dể hay khó ? vì sao?
   “Cá Đĩa là loại cá cảnh khó nuôi nhất trong các loại cá cảnh nước ngọt nhiệt đới” bởi vì cá Đĩa có rất nhiều điểm khác biệt về nhu cầu sinh thái, đặc điểm sinh học so với họ hàng cá Rô phi của chúng nói riêng và các loài cá cảnh nước ngọt nhiệt đới nói chung. Do đó trong điều kiện nuôi, cần chú ý 2 đặc điểm sau:
Thứ 1: cá Đĩa là loài cá nhạy cảm nhất, đặc biệt nhạy cảm với
+ Tiếng ồn, chấn động nhẹ, ánh sáng mạnh
+ Các thay đổi của môi trường: nhiệt độ, độ pH, độ cứng của nước. Biên độ thích nghi với các yếu tố này của cá Đĩa rất thấp.
+ Các tác nhân làm phiền khác, cá Đĩa dể bị stress khi bị quấy rối bởi các loài cá năng động sống chung.
+ Các tác nhân gây bệnh (nấm, ký sinh trùng, vi khuẩn, virut)
Thứ hai: cá Đĩa đòi hỏi rất cao về chất lượng nước
Chính vì thế và cũng theo kinh nghiệm từ các nghệ nhân nuôi cá Đĩa: “cá Đĩa chỉ  khó nuôi hơn các loại cá cảnh khác khi chúng ta không cung cấp cho chúng môi trường sống phù hợp”

cá đĩa
Kỹ thuật nuôi cá đĩa

3. Nhu cầu chất lượng nước trong nuôi cá Đĩa
  3.1. Nhiệt độ
   3.1.1. Ảnh hưởng của nhiệt độ đối với sức khỏe cá
– Nhiệt độ cơ thể cá thay đổi theo nhiệt độ môi trường (đây là đặc điểm khác với các động vật máu nóng trên cạn)
– Nhiệt độ ảnh hưởng trực tiếp đến các quá trình sinh hóa trong cơ thể cá. Sự thay đổi nhiệt độ quá lớn và đột ngột sẽ làm rối loạn các quá trình sinh hoá trong cơ thể và ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của cá.
3.1.2. Nhiệt độ thích hợp cho cá Đĩa
– Cá trưởng thành, cá sinh sản: 26 – 28 oC
– Cá con (mới nở đến 5 – 6 cm): 28 – 30 oC
3.1.3. Quản lý nhiệt độ
+ Bể nuôi đặt trong phòng có nhiệt độ tương đối ổn định (tránh gió lùa, lợp tole hấp thu nhiệt)
+Dùng sưởi để kiểm soát nhiệt độ trong hồ (đối với cá con hay vào mùa lạnh)
3.2. Độ pH
    3.2.1. Ảnh hưởng của độ pH
+ Độ pH ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cá khi có sự thay đổi đột ngột, cá có thể bị stress hay bị chết.
+ Tuy nhiên ảnh hưởng quan trọng hơn là ảnh hưởng gián tiếp của pH thông qua môi trường nước. Độ pH ảnh hưởng đến nồng độ hoà tan các muối dinh dưỡng, đến độ cứng của nước, thành phần các độc tố. Cụ thể như khi độ pH càng cao, hàm lượng ammonia dạng không phân ly (NH3) càng nhiều và rất có hại cho cá, ngược lại khi pH càng giảm thì độc tính của khí sulfurhydro (H2S) càng tăng.
3.2.2. Khoảng pH thích hợp cho cá Đĩa
 + Cá sinh sản: 6 – 6.2
+ Cá con: 6.5 – 6.8
+ Cá trưởng thành: 6 – 6.8
3.2.3. Quản lý độ pH
+ Tăng độ pH:
+ Tăng cường sục khí trong hồ hay bể chứa nước có ánh sáng, tăng cường quang hợp, giảm nồng độ CO2, tăng độ pH
+ Dùng nước vôi trong đã pha sẳn để trung hòa
+ Giảm độ pH
+ Dùng axit phot pho ric (H3PO4) hay axit citric (giấm).
+ Lọc sinh học cũng giúp giảm độ pH nước.
 3.3. Độ cứng
    3.3.1. Ảnh hưởng của độ cứng của nước
 + Độ cứng của nước ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình điều hòa áp suất thẩm thấu của cá. Mỗi loài cá thích nghi với độ cứng khác nhau và  khả năng thích ứng với sự biến đổi độ cứng cũng khác nhau.
+ Độ cứng của nước cũng ảnh hưởng đến hàm lượng Canxi (Ca) trong máu cá.
+ Ngoài ra, độ cứng còn ảnh hưởng đến quá trình nở của trứng.
3.3.2. Độ cứng của nước phù hợp cho cá Đĩa
 + Cá sinh sản : 3 – 10 odH, tốt nhất : 5 – 6 odH (1odH = 17,9 mg CaCO3/L)
+ Cá con (< 4 tuần tuổi) : 8 – 10 odH
+ Cá > 4 tuần tuổi : 8 – 15 odH
3.3.3. Kiểm soát độ cứng của nước
+ Nhu cầu về độ cứng của nước đối với cá Đĩa rất thấp, vì thế trong kỹ thuật nuôi, thường phải điều chỉnh theo khuynh hướng giảm độ cứng
+ Các phương pháp giảm độ cứng của nước (chủ yếu dựa trên nguyên tắc trao đổi ion Ca 2+)
+ Trao đổi ion bằng hạt nhựa,
+ Lọc sinh học,
+ Có thể dùng chất chiết xuất từ than bùn (peat) (than bùn có khả năng hấp thụ     Ca 2+ và giải phóng nguyên tử H+).
3.4. Một số độc tố cần lưu ý
+ Chlorine hay chloramine
+ Đây là một loại hoá chất dùng khử trùng nước, thường có trong nguồn nước thủy cục (nước do nhà máy nước cung cấp),
+ Rất độc đối với cá (tác động trực tiếp đến quá trình trao đổi ion trong điều hòa áp suất thẩm thấu của cá).
+ Để loại bỏ tác hại do chlorine trong nước chỉ cần sục khí liên tục ít nhất 48 giờ
+ Để kiểm tra nước còn chlorine không, dùng Orthotolidin 1% : nhỏ 1 – 2 giọt orthotolidin vào 10 – 20 lít nước, nếu nước có màu vàng là còn chlorine và ngược lại.
+ Amonia (N-NH3), nitrite (NO2), nitrate (NO3- ) và sulfurhydro (H2S)
+ Các chất trên đều là các chất độc hại đối với cá, là sản phẩm phân hủy các chất hữu cơ có trong nước (từ thức ăn dư thừa, sản phẩm bài tiết của cá).
Để đề phòng sự hình thành các chất độc hại này, cần tăng cường hàm lượng oxy hoà tan trong nước để thúc đẩy quá trình phân hủy hiếu khí của các vi sinh vật chuyển hoá các chất độc hại thành các chất vô hại hay ít có hại hơn. Ngoài ra quá trình sục khí cũng tăng cường giải phóng các khí độc ra khỏi môi trường nước.

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *